Tiếp nối thành công của dòng Venu 2S, nhà Garmin tiếp tục trình làng phiên bản kế nhiệm mang tên Garmin Venu 3S với nhiều nâng cấp đáng giá, hỗ trợ người dùng tối ưu trong mọi trải nghiệm.
Thiết kế nhỏ gọn, bền bỉ, màn hình sắc nét
Nhìn từ bên ngoài, Garmin Venu 3S có diện mạo khá tương đồng với Garmin Venu 2S đã được ra mắt trước đó. Vẫn là dạng mặt tròn tinh tế nhưng phần viền bezel đã được làm mỏng hơn tạo cảm giác thanh thoát khi đeo trên tay. Với kích thước mặt 41 mm thì phiên bản này phù hợp với các bạn có cổ tay khoảng 13 – 14 cm, cả nam lẫn nữ đều có thể dùng được.
Phần viền trên mặt kính đồng hồ được thiết kế có một chấm tròn tại mỗi giờ, theo mình thấy thì vừa làm giảm tính đơn điệu của sản phẩm, vừa giúp đồng hồ có thêm điểm nhấn.
Do kích thước mặt khá nhỏ nên phần dây đeo của Venu 3S cũng mang kích thước khá nhỏ là 1.8 cm, nếu các bạn có muốn thay đổi loại dây hay màu dây thì cần mua size dây tương thích. Dây đeo từ hãng là chất liệu silicone nên khi đeo cho cảm giác rất mềm mại, êm tay, khi mình hoạt động nhiều thì cũng không có cảm giác bí mồ hôi gây khó chịu.
Venu 3S có bộ khung hoàn thiện từ chất liệu Polyme cứng cáp, phần viền được làm từ thép không gỉ bền bỉ, khi sử dụng dưới nắng thì ánh sáng phản chiếu trên khung cho cảm giác rất cao cấp.
Khối lượng của đồng hồ thông minh cũng được hãng tối ưu đáng kể, chỉ 40g bao gồm cả dây nên khi mình đeo không hề có cảm giác nặng nề.
Nhìn vào cạnh phải, các bạn sẽ thấy Venu 3S được trang bị 3 nút bấm, tuy không được đánh bóng như viền thép, nhưng mình hiểu điều này là để tăng thêm độ bám cho người dùng lúc thao tác. Ngay cạnh dưới là phần micro, bên phía còn lại được trang bị cụm loa để sử dụng đàm thoại và các tiện ích cần thiết.
Cuối cùng là phần mặt lưng có cùng chất liệu và màu sắc tương tự như phần khung. Cụm cảm biến được Garmin bố trí rất phẳng nên khi đeo mình thấy cũng không quá cấn hay để lại vết hằn trên da. Bên cạnh đó là cổng sạc Universal quen thuộc nhưng đầu vào đã được chuyển thành Type-C giúp thời gian sạc được rút ngắn hơn.
Về màn hình, thì bên dưới mặt kính cường lực, thế hệ này vẫn được trang bị tấm nền AMOLED như những phiên bản tiền nhiệm, vì điểm mạnh của dòng Venu là tập trung vào trải nghiệm hằng ngày và mang tính thời trang nhiều hơn các dòng thể thao chuyên nghiệp như các dòng Instinct, Fenix hay Epix,…
Độ phân giải 390 x 390 pixels mang đến các chi tiết được hiển thị một cách sắc nét. Khi mình sử dụng ngoài trời, nếu ánh nắng chiếu trực tiếp vào màn hình thì sẽ có hiện tượng bóng gương, còn trường hợp không có ánh nắng trực tiếp thì màn hình vẫn thể hiện rõ các nội dung, phần màu sắc cũng sống động hơn so với các tấm nền thông thường.
Với tấm nền AMOLED thì Venu 3S có thể sử dụng chế độ Always-On-Display đồng thời là những tiện ích như che màn hình để tắt, chạm màn hình để sáng. Bên cạnh đó, tính năng nâng cổ tay sáng màn hình cũng tương đối nhạy và phản ứng tốt khi mình thao tác.
Đồng hồ thông minh hỗ trợ rất nhiều giao diện mặt cho chúng ta lựa chọn khi kết nối với ứng dụng Garmin Connect IQ Store. Trải nghiệm hình ảnh trên Venu 3S theo mình đánh giá là không chê vào đâu được, các hiệu ứng chuyển khi lựa chọn các tiện ích khác nhau, sử dụng bài tập,… cũng được Garmin tối ưu rất mượt mà, sinh động. Mình có đặt hình ảnh cá nhân làm hình nền thì chất lượng ảnh cũng không hề chênh lệch so với điện thoại.
Trợ lý sức khỏe đa năng
Một tính năng mình vô cùng thích trên chiếc đồng hồ này là Báo cáo buổi sáng, khi Garmin sẽ cung cấp cho mình một bảng thống kê dữ liệu đầy đủ về giấc ngủ đêm qua, mức năng lượng phục hồi, trạng thái HRV,… giúp mình nắm được tình trạng cơ thể và bắt đầu một ngày mới.
Đồng hồ được trang bị các cảm biến hiện đại như cảm biến nhịp tim cổ tay Garmin Elevate, Pulse Ox, kết hợp cùng các thuật toán để giúp việc đo đạc và theo dõi các chỉ số có độ chính xác cao.
Trải nghiệm thực tế khi mình đo cùng lúc với máy đo y tế chuyên dụng, kết quả nhịp tim và nồng độ oxy trong máu (SpO2) từ Venu 3S cho ra không hề có chênh lệch với thiết bị đo y tế, chứng tỏ Garmin đã làm quá tốt về các cảm biến này.
Là một chiếc smartwatch cao cấp, Venu 3S còn có khả năng đo HRV. Tính năng này sẽ tính toán các dữ liệu về sức khoẻ khác như mức độ căng thẳng, năng lượng cơ thể cùng với dữ liệu giấc ngủ để bạn biết khi nào nên hoạt động, khi nào nên nghỉ ngơi thêm, và cả thời gian phục hồi của cơ thể sau một bài tập.
Về phần điểm số giấc ngủ mình vừa đề cập, Venu 3S cũng cho mình biết thời lượng và chất lượng giấc ngủ, thanh ngang hiển thị các màu sắc khác nhau, tượng trưng cho các giai đoạn giấc ngủ.
Ngay bên dưới, sẽ là các giai đoạn ngủ sâu, ngủ nông, ngủ REM, thời gian thức cùng một biểu đồ dạng cột chia các giai đoạn cho bạn dễ nhìn. Ngoài ra, các dữ liệu khác cũng được Garmin tổng hợp và trình bày một cách vô cùng đầy đủ, chi tiết và trực quan trên ứng dụng Garmin Connect.
Khả năng hỗ trợ luyện tập tối ưu
Đồng hồ Garmin Venu được trang bị hơn 30 chế độ luyện tập bao gồm các môn trong nhà và ngoài trời trong đó có các môn phổ biến như chạy bộ, đạp xe, HIIT, Yoga, Pilates, thiền, quần vợt,… cho bạn thỏa sức lựa chọn bài tập mình thích. Khả năng bắt tín hiệu định vị của đồng hồ cũng rất nhanh, mình chỉ cần bật các bài tập yêu cầu định vị trong khoảng 3 giây là đã có tín hiệu sẵn sàng cho bài tập.
Mình đã mang đồng hồ đi chạy bộ, phần giao diện khi kết thúc bài tập sẽ có một bản đồ nhỏ được vẽ lại kèm nhịp độ, độ cao, khoảng cách,… đã chạy.
Bên cạnh đó, trong suốt bài chạy, đồng hồ cũng sẽ dựa vào các dữ liệu nhịp tim để gợi ý cho các bạn chỉ số VO2 Max, chỉ số này sẽ giúp ứng dụng dự đoán được tình trạng thể chất của mình để đưa ra thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động quá sức. Các bạn cũng có thể xem thêm chi tiết về chỉ số này và các dữ liệu liên quan trong ứng dụng Garmin Connect tại phần thống kê VO2 Max.
Với bài tập đi bộ, mình thấy thống kê cũng sẽ bao gồm một đường vẽ nhỏ lại cùng với các dữ liệu khác bao gồm vùng nhịp tim, số bước chân,… bên dưới bài tập. Mình nhẩm đếm thì thấy số bước chân được ghi lại đúng với nhịp đi của mình và không bị nhảy bước chân ảo.
Mình cũng mang đồng hồ đi đạp xe và trong suốt hơn 1 tiếng tập luyện, đồng hồ ghi nhận dữ liệu nhịp tim, độ cao, tốc độ, cũng như mức calo tiêu thụ. Kết thúc bài tập thì chúng ta có thể xem lại chi tiết hơn trong ứng dụng Garmin Connect.
Trường hợp các bạn muốn tối ưu khả năng chính xác về mặt dữ liệu có thể vuốt từ dưới lên lúc bắt đầu bài tập để bật tính năng tự động dừng. Mặt khác, phải kể đến là như khi tập bài thiền cũng sẽ có các hướng dẫn thở chi tiết. Hoặc sử dụng tính năng lưu vị trí để tìm đường cũng là những tính năng khá hữu ích.
Chưa kể, để tập luyện hiệu quả, mình cũng có sử dụng thêm Garmin Coach. Chế độ và các giai đoạn bài chạy cũng sẽ được đồng bộ vào bài tập cũng như lịch tập luyện của các bạn. Mặt khác thì các bạn vẫn có thể xem lại các ngày luyện tập thông qua đồng hồ.
Để giúp người dùng an tâm hơn khi luyện tập một mình thì trên đồng hồ cũng hỗ trợ tính năng LiveTrack – cho phép bạn chia sẻ vị trí trong thời gian thực cho bạn bè và người thân. Hơn thế nữa, bạn còn có thể thiết lập tính năng phát hiện sự cố lúc chạy bộ hoặc đi bộ, cũng như một số bài tập luyện khác. Khi phát hiện sự cố, đồng hồ sẽ gửi tin nhắn đến các liên hệ khẩn cấp bạn đã thêm trước đó để nhận sự trợ giúp kịp thời.
Khả năng nghe gọi, nhận thông báo
Về khả năng nhận cuộc gọi, ngoài cuộc gọi thông thường có thể nhận trên 2 nền tảng, thì hiện tại chỉ có iOS hỗ trợ đàm thoại và thao tác cuộc gọi với các bên ứng dụng thứ 3 như Zalo, Messenger hay Line, kèm theo đó là tên người liên hệ ở các ứng dụng này.
Với tin nhắn thì ở cả 2 nền tảng đều có thể đọc bình thường, các biểu tượng cảm xúc hiển thị tương đối nhiều bao gồm cả những biểu tượng mới.
Biểu tượng ứng dụng thì có vài có ứng dụng hiển thị được như Linkedin, Messenger, còn Zalo thì chưa. Về hiển thị nội dung tin nhắn thì không bị lỗi phông hay rơi hàng đột ngột. Riêng các bạn khi kết nối với các thiết bị Android thì có thể sử dụng tính năng trả lời nhanh bằng tin nhắn soạn sẵn trước đó.
Khả năng kháng nước tốt, thời gian hoạt động kéo dài
Đồng hồ thông minh Garmin đạt chuẩn kháng nước 5 ATM cho phép bạn sử dụng thoải mái trong các hoạt động hàng ngày như rửa tay, tắm, bơi lội ở những hồ nước nông,…
Tuy nhiên để đồng hồ đạt độ bền cao bạn cần lưu ý: Không rửa bằng nước nóng, không mang đồng hồ vào phòng xông hơi, không sử dụng các nút vật lý khi đồng hồ đang dưới nước và nên lau khô đồng hồ sau khi tiếp xúc với nước.
Theo thông tin mà hãng cung cấp thì chiếc đồng hồ này có thời lượng pin lên đến 10 ngày ở chế độ đồng hồ thông minh.
Trải nghiệm thực tế, khi mình dùng từ ngày 6/10 cho đến ngày 11/10 thì đồng hồ còn lại 5% pin.
Cường độ mình dùng bao gồm bật độ sáng tự động, chế độ AOD, đồng bộ và nghe gọi tương đối nhiều, kết hợp với theo dõi tập luyện yêu cầu định vị cũng như phát nhạc bằng đồng hồ lúc tập luyện, mình đánh giá đây là một thời lượng khá cao so với các dòng smartwatch thể thao khác trên thị trường hiện nay.
Thêm nhiều tiện ích khác
Ngoài những tiện ích hỗ trợ tập luyện, theo dõi sức khỏe, Venu 3S còn tích hợp rất nhiều tiện ích khác. Nổi bật là tính năng nghe nhạc trực tiếp qua loa trên đồng hồ.
Đồng hồ được trang bị 8 GB bộ nhớ trong nên có thể lưu trữ tương đối nhiều bài hát. Tuy nhiên, mình thấy đồng hồ chỉ mới hỗ trợ đồng bộ nhạc từ điện thoại, Spotify và Deezer, chưa có Soundcloud hay Apple Music.
Và để đồng bộ nhạc từ Spotify, bạn nên tải ứng dụng và update tài khoản lên Premium để tải các bài nhạc từ Album yêu thích.
Với loa ngoài và mic, các bạn có thể sử dụng tính năng Trợ lý ảo giọng nói ngay trên đồng hồ, hiệu ứng khi sử dụng cũng được Garmin làm rất đẹp mắt. Kết quả câu trả lời cũng được phản hồi thông qua đồng hồ.
Ngoài ra, đồng hồ Garmin còn sở hữu nhiều tiện ích thông minh khác như: Báo thức, tìm đồng hồ, tìm điện thoại, đồng hồ bấm giờ, đồng hồ đếm ngược, dự báo thời tiết,… phục vụ tối ưu cho bạn trong mọi hoạt động hằng ngày.
Mang trong mình nhiều tính năng hiện đại hỗ trợ theo dõi sức khỏe, luyện tập thể thao và định vị chuẩn xác, đi cùng một thiết kế thanh lịch, sang trọng, chiếc đồng hồ thông minh Garmin Venu 3S này sẽ là một trợ thủ đắc lực, sẵn sàng đồng hành cùng bạn mọi lúc mọi nơi.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.